Quyền lực là gì?

Con người chúng ta khi bước chân vào cuộc sống, khi bắt tay vào làm việc, ai cũng nghĩ đến kết quả mình cần đạt được, đó có thể là tiền lương, đó có thể là kết quả công việc, đó có thể là địa vị xã hội, hay đó có thể là quyền lực để chỉ đạo, sai khiến người khác. Vậy quyền lực là gì? Bản thân mỗi chúng ta có tiềm ẩn quyền lực hay không? Những định nghĩa sau đây có thể giúp bạn hiểu hơn về quyền lực và khám phá được năng lực của bản thân mình.

Quyền lực là công cụ của nhà quản lý. Nghệ thuật sử dụng quyền lực đồng thời là nghệ thuật của sự thành đạt. Muốn sử dụng được quyền lực, trước hết phải hiểu nó là gì, từ đâu đến, tâm tính của nó ra sao?

Phân loại quyền lực

Có thể tạm phân chia ra làm hai loại quyền lực: quyền lực địa vị và quyền lực cá nhân.

−        Quyền lực địa vị là thứ do một tổ chức hoặc từ phía trên giao cho. Nhà quản lý có được thứ quyền lực này nhiều hay ít là do sự tin cậy mà họ đạt được với tổ chức hoặc cấp trên ấy. Các nhà quản lý nên nhớ rằng quyền lực địa vị nhiều hay ít, lớn hay nhỏ là do sự uỷ quyền mà nên. Vì thế, cấp trên có thể uỷ quyền và cũng có thể rút lại tất cả hay một phần sự uỷ quyền ấy.

−        Quyền lực cá nhân là mức độ cấp dưới tôn trọng, quý mến và phục tùng cấp trên. Nguồn gốc của quyền lực này có thể xuất phát từ mục tiêu chung, có thể từ tài năng và đức độ cá nhân của nhà quản lý. . . Nói tóm lại, nó xuất phát từ cấp dưới, từ bên dưới.

Phấn đấu có được cả hai loại quyền lực này là lý tưởng nhất. Còn nếu đặt vấn đề giữa hai loại quyền lực này, cái nào quan trọng hơn thì theo sự phát triển chung về văn hóa của loài người thì quyền lực cá nhân thường được coi trọng hơn và nó có thể tồn tại lâu dài hoặc vĩnh viễn.

Vậy, mối quan hệ dựa trên sự quý mến từ quyền lực cá nhân tốt hơn hay dựa trên sự sợ hãi từ quyền lực địa vị tốt hơn? Câu trả lời thật dễ dàng một khi nhà quản lý được mọi người vừa quý mến vừa sợ hãi. Một số nhà khoa học đã chứng minh rằng mối quan hệ chỉ dựa trên sự quý mến thường ít có hiệu quả trong điều hành công việc nếu không có sự sợ hãi. Sự cố gắng của một nhân viên bị mòn mỏi nếu anh ta biết rằng sẽ không bị trừng phạt khi công việc trễ nải.

Đối với cấp dưới, bạn có thể sử dụng cả quyền lực địa vị và quyền lực cá nhân nhưng đối với cấp trên, bạn chỉ có thể sử quyền lực cá nhân qua con đường thuyết phục.

Mặc dù quyền lực địa vị và quyền lực cá nhân độc lập và khác biệt nhau nhưng chúng có một điểm chung là thể hiện sự tác động giữa người này lên người khác và nguồn gốc của chúng đều xuất phát từ năng lực cá nhân của mỗi con người.

Quyền lực là thành phần của quyền lực địa vị và quyền lực cá nhân.

Sử dụng quyền lực là một nghệ thuật. Mà đã là nghệ thuật thì vô cùng vô tận, phụ thuộc rất nhiều vào tài năng bẩm sinh và sự tích lũy thông qua học hỏi, rèn luyện và độ từng trải của “nghệ sĩ quyền lực”.

Ta có thể chia quyền lực địa vị và quyền lực cá nhân thành các loại quyền lực thành phần:

Quyền lực địa vị bao gồm: quyền lực pháp lý, quyền lực khuyến khích, quyền lực liên kết và quyền lực cưỡng bức.

−        Quyền lực pháp lý là quyền lực có được do tổ chức trao cho dưới hình thức này hay hình thức khác.

−        Quyền lực khuyến khích là khả năng tạo ra động lực hành động ở đội ngũ thông qua việc thực thi các biện pháp khuyến khích như khen, thưởng, thăng cấp…

−        Quyền lực liên kết là quyền lực được tạo ra từ một mối quan hệ với một hoặc một số thực thể nào đó.

−        Quyền lực cưỡng bức là quyền lực đạt được do khả năng quyết định và thực thi các hình phạt đối với những người phạm lỗi.

Quyền lực cá nhân bao gồm: quyền lực chuyên môn, quyền lực thông tin và quyền lực tư vấn.

−        Quyền lực chuyên môn là quyền lực đạt được do có học vấn, kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn của nhà quản lý.

−        Quyền lực thông tin là quyền lực có được do khả năng cung cấp, chia sẻ thông tin hoặc khả năng chi phối việc cung cấp, chia sẻ thông tin.

−       Quyền lực tư vấn thực chất là sức thuyết phục của một người do khả năng cung cấp các lời khuyên sáng suốt và hữu ích với những người khác.

Quyền lực địa vị dẫu mạnh đến đâu cũng không bao giờ là đủ. Luôn luôn phải có quyền lực cá nhân đi kèm. Quyền lực cá nhân của những người bản lĩnh đôi khi át cả quyền lực địa vị.

Để phát huy quyền lực của mình, trước hết, bạn nên tự xác định mình có những điều kiện nào để có được và thực thi được quyền lực này hay quyền lực kia. Tuy nhiên, điều khó hơn là phải lượng hóa được nó, có thể không đo đếm được, nhưng phải cảm nhận được.

7 bình luận

  1. Ly xink said,

    24/08/2011 lúc 8:54 chiều

    bai nay rat hay ;))

  2. mzyuyu said,

    17/03/2013 lúc 8:01 chiều

    cảm ơn bạn nhiều. bài viết ngắn gọn, súc tích but rất rõ ràng:D

  3. fullyit said,

    20/05/2015 lúc 9:04 sáng

    Mình gõ google tìm “Quyền lực là gì” thì tìm thấy bài viết của bạn, mình cố tiêu hóa bài viết của bạn lại thì mình rút ra được thế này:
    Có 2 loại quyền lực: Quyền lực địa vị là thứ do một tổ chức hoặc từ phía trên giao cho; Quyền lực cá nhân là mức độ cấp dưới tôn trọng, quý mến và phục tùng cấp trên.
    Và nó dường như không làm thỏa mãn được từ khóa của mình đang tìm.
    Nó giống với việc bạn giải thích về bề nổi của địa vị xã hội hơn.
    Cứ mang chữ “quyền” và chữ “lực” tách ra rồi phân tích thì “quyền” là thứ khiến người khác phải phục tùng như là bổn phận, “lực ” là sức mạnh, sự ép buộc, đe dọa và hành động khi cần thiết để bổ trợ cho “quyền”.
    Đó là cách nghĩ của mình, cảm ơn bạn về bài viết.

  4. Nguyễn Ngọc đoan trang said,

    21/06/2015 lúc 10:13 sáng

    Có quan điểm cho rằng baó chí có vai trò to tát vì nó được đánh gia là “quyền lực thứ tư” bạn nghĩ như thế nào cho mình biết vơi.

    • coivothuong said,

      13/02/2017 lúc 7:11 chiều

      Cảm ơn comment của bạn. Xin lỗi mình trả lời quá trễ vì lâu nay không vào blog.
      Nếu định nghĩa Quyền lực ở mỗi hoàn cảnh, mỗi thời đại khác nhau thì Quyền lực còn đến từ nhiều thế lực khác nhau. Ví dụ quyền lực Mafia, quyền lực Xã hội đen….

  5. tuananhcode said,

    01/02/2017 lúc 6:13 sáng

    Một số nhà khoa học đã chứng minh rằng mối quan hệ chỉ dựa trên sự quý mến thường ít có hiệu quả trong điều hành công việc nếu không có sự sợ hãi. Sự cố gắng của một nhân viên bị mòn mỏi nếu anh ta biết rằng sẽ không bị trừng phạt khi công việc trễ nải.
    ==> Loài người thật sự rất mâu thuẫn, trong sâu thẳm mỗi con người đều có 1 mong muốn đạt đc sự tự do cho bản thân mình, mong ước đc làm chủ nhưng họ lại lập lên các tổ chức trao quyền lực cho cá nhân để rồi bị chính các cá nhân quyền lực đó tước đi sự tự do của mình….

    • coivothuong said,

      13/02/2017 lúc 7:14 chiều

      Sử dung quyền lực là một nghệ thuật. Đôi khi cần dung Quyền lực cá nhân, đôi khi chỉ cần quyền lực địa vị, có khi kết hợp cả hai.
      Khi có quyền lực, sự tự do của chủ thể bị tước đi it nhiều, tùy vào việc quyền lực đó nhiều hay it.


Gửi phản hồi cho coivothuong Hủy trả lời